Theo ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ
thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo), để trẻ học tốt môn toán, giáo viên
và phụ huynh nên kết hợp hài hòa việc áp dụng công nghệ thông tin với
cách học truyền thống.
Chiều ngày 13/11, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó trưởng khoa
Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội; ông Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng
Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cùng ông Nguyễn Xuân
Phong - Phó hiệu trưởng Đại học FPT đã có mặt tại tòa soạn VnExpress để
tư vấn cho bạn đọc các phương pháp giúp trẻ học toán hiệu quả thông qua
việc ứng dụng công nghệ. Chương trình thu hút gần 1.000 câu hỏi tham gia
từ độc giả.
Nhiều bậc phụ huynh băn khoăn về cách áp dụng công
nghệ thông tin như thế nào cho đúng khi dạy con học toán. Trong khi đó,
không ít người cũng tỏ ra e ngại khi nghĩ đến mặt trái của công nghệ
thông tin nếu vô tình thả lỏng cho con tiếp xúc. Ba vị khách mời đã
nhiệt tình tư vấn cách giúp trẻ học toán hữu hiệu, áp dụng công nghệ mới
để có thể "vừa học vừa chơi". Thay vì lo lắng, ép con học cho bằng
được, bố mẹ nên khơi dậy ở trẻ sự hứng thú với các con số.
|
Giáo sư Đỗ Đức Thái, ông Quách Tuấn Ngọc và ông Nguyễn
Xuân Phong (từ phải sang) tư vấn cho độc giả VnExpress cách giúp trẻ
học toán hiệu quả. |
- Con gái tôi đang học lớp 4, cháu không thích học
toán (chưa đến mức sợ) nhưng theo quan sát của tôi, so với các môn
khác, toán cháu có vẻ tiếp thu chậm hơn, ngại học hơn. Tôi đã tìm đủ mọi
phương pháp để cháu nắm bắt môn toán tốt hơn nhưng có vẻ không hiệu
quả. Phải chăng phương pháp của tôi chưa đúng. Kính mong các vị tư vấn
cho tôi một phương pháp cụ thể để bé bớt sợ môn toán và ham học hơn. Xin
cám ơn! (Nguyễn Hồng Anh, 35 tuổi)
- Thầy Đỗ Đức Thái, Phó trưởng khoa Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội:
Tôi nghĩ rằng câu hỏi của bạn liên quan đến một trong những vấn đề cốt
lõi nhất của việc dạy học toán cho học sinh, trong đó có các em tiểu
học, đó là: làm thế nào để các em có được một động cơ học tập toán thật
tốt. Động cơ đó sẽ từng bước tạo cho các em lòng ham học, ham hiểu biết,
đó cũng là những nhân tố chính tạo nên sự say mê học toán ở các em, đặc
biệt là các em nhỏ. Tôi nghĩ rằng, các bậc cha mẹ phải cố gắng tạo ra
được cho con em mình một động cơ học tập toán đúng đắn. Tôi không nghĩ
rằng thước đo của một động cơ đúng đắn là con em mình phải có điểm cao
môn toán khi học ở nhà trường, phải làm thêm được nhiều bài tập toán
nâng cao...
Một động cơ học tập tốt, theo tôi, phải tạo cho trẻ em
niềm vui khi học toán, học mà chơi, chơi mà học, phải thấy được vẻ đẹp
từ những con số, những phép toán hay những hình vẽ.
|
Thầy Đỗ Đức Thái, Phó trưởng khoa Toán - Tin, Đại học Sư phạm Hà Nội |
- Thưa ông Quách Tuấn Ngọc, toán là một trong
những môn học rất quan trọng trong mọi cấp lớp. Việc đưa công nghệ thông
tin vào chương trình học toán, đặc biệt là cho học sinh tiểu học, có
giúp trẻ học tốt hơn không? Theo ông, ngoài giờ học ở trường, còn có
những phương pháp nào khác giúp trẻ học hiệu quả và dễ nhớ bài hơn
không? (Trúc Ly, 38 tuổi).
- Ông Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo):
Trong thời đại công nghệ thông tin, việc ứng dụng công nghệ thông tin
vào dạy và học không chỉ cho môn toán mà còn phổ biến cho mọi môn học
khác. Đương nhiên, việc ứng dụng này giúp cho người học nói chung và trẻ
em nói riêng học tốt hơn vì những phần mềm dạy học với kịch bản rất
sinh động đi kèm âm thanh, hình ảnh, video minh họa. Ngoài ra, nhiều
phầm mềm được viết ra như những trò chơi nên cuốn hút các em học. Công
nghệ thông tin giúp cho người học học theo năng lực, sở thích của mình. Ở
đây, cụ thể là năng lực tiếp thu, ý thích của trẻ cũng khác nhau. Nếu
học ở lớp học truyền thống thì những việc này khó đáp ứng. Với máy tính
kết nối Internet, người học có thể tìm cho mình những nội dung thích hợp
để học.
Hiện nay, việc học tập không chỉ bó hẹp trong nhà
trường, người thầy không phải là người duy nhất có thông tin truyền thụ
cho các em, mà các em có thể chủ động học hỏi, tìm tòi thêm bài học với
nhiều phương pháp học khác nhau qua mạng Internet. Điều này giúp trẻ có
thể rèn luyện tính chủ động, tìm tòi.
- Nên học toán như thế nào để đạt kết quả cao, thưa các chuyên gia? (Chi, 10 tuổi)
- Thầy Đỗ Đức Thái: Học toán cũng như
học các môn học khác đòi hỏi các em học sinh, nhất là các em học sinh
nhỏ tuổi cần phải đạt được từng bước sau đây:
Trước hết, các em phải tạo cho mình một nề nếp học tập
tốt. Giờ nào việc nấy, giờ học là phải tập trung, chơi ra chơi, học ra
học.
Sau đó, học sinh cần rèn cho mình một thói quen cẩn
thận, chu đáo. Cẩn thận từ việc cầm bút, cầm thước kẻ, cẩn thận trong
từng phép tính và tập dần thói quen kiểm tra lại bài làm của mình.
Tiếp đó, các em nhỏ nên rút kinh nghiệm dần qua từng
bài học để tìm ra một cách học thích hợp nhất đối với bản thân. Các thầy
cô giáo, cha mẹ nên quan tâm đến điều này bên cạnh việc dạy kiến thức
cho trẻ.
- Thưa ông Nguyễn Xuân Phong, những ứng dụng công
nghệ vào việc học Toán của FPT đã tạo những thuận lợi gì cho các em học
sinh? Việc ứng dụng công nghệ này có giúp việc học Toán đơn giản, dễ
dàng, hứng thú hơn không? Lý do vì sao? (Nguyễn Thành Thái Nguyên, 35
tuổi)
- Ông Nguyễn Xuân Phong - Phó hiệu trưởng Đại học FPT:
Kính chào các quý độc giả báo điện tử VnExpress! Hiện nay ĐH FPT phối
hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuộc thi giải Toán qua mạng
Internet thường niên trên trang web violympic.net. Cuộc thi này đã mang
lại cho các em học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 cơ hội luyện tập, cọ xát với
các bạn trên toàn quốc mọi lúc mọi nơi. Học sinh có thể tham gia giải
Toán trên máy tính, các thiết bị di động và thậm chí cả TV.
Hình thức thi cũng được thể hiện đa dạng, hấp dẫn và
phù hợp hơn với từng lứa tuổi. Ví dụ như có nhiều dạng bài được thể hiện
dưới dạng trò chơi với nhiều hiệu ứng hình ảnh, hoạt hình sinh động.
Tính tương tác cũng được tăng cường hơn nhiều so với khi giải toán theo
sách. Tất cả những ứng dụng này sẽ làm cho các em học sinh được vừa học
vừa chơi, không cảm thấy việc học quá khô khan hay đơn điệu.
- Xin hỏi bác Quách Tuấn Ngọc, theo bác ứng dụng
công nghệ nào hiện nay được đánh giá cao với tiêu chí giúp trẻ học toán
hiệu quả? (Truong Viet Ha, 37 tuổi, Germany)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Một trong
những nguyên lý giúp trẻ học hiệu quả hơn là các bài học được thiết kế
theo phong cách "vừa học vừa chơi". Qua đó, trẻ sẽ cảm thấy rất thoải
mái, hứng thú hơn. Tiêu chí thứ hai là sự tương tác trong quá trình
thiết kế bài giảng với người học. Thứ ba là công nghệ multimedia. Theo
đó, bài giảng không chỉ đơn thuần chỉ có chữ mà còn có thêm multimedia
như âm thanh, hình ảnh, video, hoạt hình... nên trẻ rất thích. Thứ tư là
sự đa dạng trong việc thực hiện các loại câu hỏi kiểm tra đánh giá giúp
trẻ phản ứng linh hoạt.
|
Ông Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo). |
- Toán là môn học với những con số
khô khan, cứng nhắc, vì vậy dễ gây nhàm chán và ít hấp dẫn trẻ? Vậy có
cách nào để môn Toán trở nên sinh động hơn trong mắt trẻ? (Lê Văn, 29
tuổi)
- Thầy Đỗ Đức Thái: Tôi không nghĩ
rằng Toán học là một môn học khô khan. Trong nhiều thế kỷ, Toán học đã
được xếp vào môn khoa học nghệ thuật tự nhiên. Toán học được dạy trong
chương trình tiểu học xuất phát từ thực tiễn đời sống của con người và
cũng gắn liền với vạn vật xung quanh trẻ em. Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta
không có một cách dạy thích hợp cho trẻ em, ví dụ nặng về dạy kiến
thức, nặng về dạy các bài toán nâng cao, không mẫu mực... mà chưa chú ý
đúng mức đến vẻ sinh động của Toán học trong cuộc sống thì tất nhiên
Toán học đối với trẻ em sẽ trở thành những con số khô khan, cứng nhắc,
những mẹo mực giải toán không biết từ đâu ra. Với kinh nghiệm của bản
thân, tôi hoàn toàn chia sẻ với bạn điều đó.
Có nhiều cách để Toán học trở nên sinh động trong con
mắt trẻ em. Ví dụ: dạy toán cho các em bắt đầu từ những sự vật xung
quanh cuộc sống của trẻ, vừa chơi vừa học, để trẻ tự khám phá các tri
thức toán học... Trên hết, bạn không được biến môn toán thành môn học
của những mẹo mực giải những bài toán khó. Quá tải sẽ tiêu diệt vẻ đẹp
cũng như sự sinh động của toán học đối với trẻ.
- Đa số ở độ tuổi này, các bé vẫn còn rất hiếu
động, thích tiếp thu những cái mới dưới dạng các trò chơi thay vì kiểu
học thụ động với sách vở. Là công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ
tại Việt Nam, vậy FPT có những chương trình nào trong việc ứng dụng công
nghệ vào việc giúp trẻ vui học nói chung và học Toán nói riêng? (Trần
Thị Ngọc Dung, 39 tuổi)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: FPT luôn
mong muốn có được những ứng dụng CNTT vào trong các hoạt động của đời
sống, đặc biệt là lĩnh vực giáo dục đào tạo. Ngoài cuộc thi giải Toán
qua Internet ViOlympic hiện có gần 10 triệu thành viên đăng ký tham gia,
chúng tôi đang chuẩn bị để đưa ra nội dung giải Toán bằng tiếng Anh
cũng như các dạng Toán logic. Đại học FPT cũng phối hợp với Tập đoàn
Samsung đưa ra ứng dụng ViOlympic Em giỏi Toán có tính năng thi và luyện
tập Toán trên các dòng Samsung Smart TV. Trong tương lai các nội dung
học tập trên máy tính bảng và các thiết bị di động cũng sẽ được thực
hiện.
|
Ông Nguyễn Xuân Phong - Phó hiệu trưởng Đại học FPT. |
- Kính gửi ông Quách Tuấn Ngọc - Cục
trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ Giáo dục và Đào tạo) - Cuộc thi
ViOlympic đang thu hút nhiều học sinh tham gia kể từ khi ra đời năm
2008, ông có nghĩ rằng đây là dấu hiệu tốt cho nền toán học trong nước
không? (Trần Mạnh Đức, 30 tuổi)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Tôi phải khẳng
định đây là một dấu hiệu rất tốt. Thứ nhất, chương trình này tạo ra một
sân vừa học vừa chơi mới. Thứ hai, đây còn là một mô hình xã hội hóa
giáo dục. Nếu có nhiều tổ chức xã hội, doanh nghiệp cùng tạo ra những
sân chơi tương tự thì xã hội nói chung và trẻ em nói riêng sẽ được hưởng
lợi rất nhiều. Thứ ba, chúng ta biết rằng trên Internet còn rất nhiều
điều không có lợi nên một trong những cách đối phó với tình trạng trên
là xây dựng những chương trình bổ ích cho lớp trẻ. Thứ tư, việc thu hút
được nhiều học sinh tham gia ViOlympic chứng tỏ sự thành công của chương
trình này. Cuối cùng, những thế hệ học sinh tham gia ViOlympic sẽ là
nguồn nhân lực có năng lực toán học tốt cho tương lai. Tôi hy vọng rằng
một ngày nào đó Việt Nam có thể mở rộng sân chơi này ra các nước trong
khu vực.
- Con trai tôi học lớp 5 tự học toán tốt (được cô
nhận xét vào sổ liên lạc là "có năng khiếu toán") nhưng chưa bao giờ tôi
thấy bé hứng thú tìm tòi học tập môn này. Xin hỏi làm cách nào để bé
say mê môn toán mà cháu đang học rất tốt? Xin cám ơn! (Phong, 42 tuổi,
Thủ Đức).
- Thầy Đỗ Đức Thái: Như bạn nói, con
trai bạn có khả năng tự học toán tốt. Theo tôi, đấy là yếu tố rất thuận
lợi để tạo hứng thú cho con bạn tìm tòi và say mê học tập toán. Tôi nghĩ
bạn có thể thử làm những cách sau đây:
+ Bạn đọc và lựa chọn một số bài toán không khó về mặt
cách giải, nhưng bạn tìm được niềm sung sướng sau khi bạn tự giải hoặc
nghiên cứu lời giải của bài toán. Tôi tin rằng, vẻ đẹp của những bài
toán đó sẽ lôi cuốn dần con trai bạn và từng bước tạo niềm say mê cho
cháu.
+ Bạn lựa chọn cho cháu đọc cũng như bạn kể cho cháu
nghe những câu chuyện hấp dẫn về lịch sử toán học. Sức hấp dẫn của những
câu chuyện đó rất lớn.
+ Tìm những cuốn sách, bài báo viết về những danh nhân
toán học. Tôi nghĩ rằng những tấm gương đó sẽ gợi nên trong trẻ niềm
khát vọng vươn lên, theo gương những nhà toán học.
+ Trong điều kiện có thể, bạn có thể cho con bạn tham
dự những hình thức thi giải toán. Kết quả không bao giờ là quá quan
trọng mà điều quan trọng là những kỳ thi đó sẽ động viên, thôi thúc sự
say mê học toán của trẻ.
- Thực tế, nhiều ý kiến vẫn cho rằng cho trẻ tiếp
xúc sớm với CNTT sớm chưa hẳn đã là ý hay, có thể dẫn đến nhiều hệ quả
khác. Bản thân tôi cũng nhận thấy được điều đó khi cháu nhà tôi cứ thích
học bằng máy vi tính hơn là học bằng sách vở, đụng tới quyển sách là
cháu tỏ vẻ không thích thú. Đây là điều làm tôi lo lắng, có cách nào
khắc phục được nhược điểm công nghệ này không? (Jenny Nguyễn, 34 tuổi)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Tôi nghĩ
chúng ta nên coi việc các thiết bị điện tử với nội dung đa phương tiện
có tính hấp dẫn hơn các phương tiện học tập truyền thống như sách giáo
khoa là một chuyện bình thường và tất yếu. Chúng ta cũng không nên quá
lo lắng trước các tác hại có thể có của công nghệ, Internet đến mức hạn
chế tuyệt đối việc tiếp xúc sớm. Điều quan trọng là cho bé tiếp xúc có
định hướng và sự giám sát của người lớn. Các ứng dụng cũng như nội dung
tốt và có ích vẫn là đa số.
- Hiện nay, nhiều trẻ do được tiếp xúc quá sớm với
công nghệ nên có xu hướng sau này bị phụ thuộc vào công nghệ. Việc này
có nghiêm trọng không? Ứng dụng công nghệ trong việc học Toán bao nhiêu
thì vừa đủ? (Hồng Ngọc, 30 tuổi)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Có thể khẳng
định cuộc sống hiện đại không thể thiếu công nghệ thông tin, không thể
thiếu Internet. Tuy nhiên, bên cạnh những việc ích lợi to lớn mà công
nghệ thông tin đem lại thì cũng xuất hiện những mặt trái của nó. Cụ thể
là trẻ em có thể mắc bệnh nghiện Internet, nghiện máy tính, nghiện
game... dẫn đến mắc bệnh trầm cảm, bạo lực. Thí dụ trẻ 4-5 tuổi hiện nay
đã có thể vào Internet để xem phim hoạt hình hoặc chơi game. Ngoài ra,
trẻ có thể tiếp xúc với những thông tin xấu.
Theo tôi, các bậc phụ huynh phải biết điều này để kiểm
soát, giám sát hàng ngày và điều tiết mức độ sử dụng, kể cả trong
trường hợp nội dung tốt nhưng thời lượng sử dụng quá nhiều trong một
ngày cũng có hại cho sức khỏe, tâm lý. Do đó, các bậc phụ huynh nên quan
tâm, tổ chức các hoạt động sinh hoạt gia đình truyền thống, vui chơi
ngoài trời cho trẻ. Bên cạnh đó, nhà trường cũng nên rèn luyện cho trẻ
khả năng tính nhẩm thay vì dùng máy tính cầm tay quá sớm.
- Thưa các khách mời, đâu là bí quyết để Toán
không phải là môn học tạo áp lực cho trẻ và với cả phụ huynh? Việc áp
dụng công nghệ vào dạy học toán cụ thể là gì? Đã có những ví dụ thực tế
nào? Xin cảm ơn (Văn Thị Minh Nguyệt, 20 tuổi, Ba Đình, Hà Nội)
- Thầy Đỗ Đức Thái: Tại sao môn toán
lại tạo áp lực cho trẻ và tới cả phụ huynh? Nhân tố nào gây ra tình
trạng đó? Tôi cho rằng việc đánh giá quá cao điểm số môn toán trên lớp,
việc đánh giá quá cao nhân tố con mình có được học ở trường điểm hay
không, ở lớp chọn hay không là những nguyên nhân chính tạo nên áp lực
cho trẻ và phụ huynh.
Nhiều khi, tôi cũng băn khoăn tự hỏi: trẻ em còn rất
ngây thơ (nhiều khi nói còn chưa thạo!), vậy phải chăng, chính ước vọng
của cha mẹ đã tạo ra áp lực cho trẻ. Tôi không nhớ chính xác nhà giáo
dục nào đã nói câu đại ý là: Đừng nên biến con mình thành người thực
hiện những ước mơ mà cha mẹ chưa làm được. Như thế, bí quyết đầu tiên để
toán không phải môn học tạo áp lực cho trẻ và gia đình chính là hãy để
trẻ học toán như tự nhiên của chính các em. Kết quả học tập không được
tạo thành áp lực cho trẻ. Liên quan đến vấn đề này, đó là vấn đề kiểm
tra đánh giá môn toán nói chung và các môn học nói riêng. Tất nhiên,
kiểm tra đánh giá là cần thiết nhưng phải nhấn mạnh đến khía cạnh nhân
văn của công tác đó, phải làm sao kiểm tra đánh giá tạo ra động cơ học
tập, tạo ra niềm vui trong học tập của trẻ em.
- Cháu nhà tôi vào lớp 1, vậy có nên cho cháu tiếp
xúc với công nghệ thông tin trong học tập không? Vậy có quá sớm không?
Cám ơn! (Ngọc Nguyễn, 29 tuổi, Tân Bình)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Nên ở mức độ,
nhưng có hạn chế và kiểm soát tránh trẻ bị nghiện công nghệ sớm. Gia
đình nên chọn những nội dung thích hợp để cho trẻ tiếp cận, đồng thời
vẫn phải kiểm soát thời gian sử dụng, không chiều các cháu.
- Xin được hỏi thầy Đỗ Đức Thái, thầy có thể tư
vấn cách dạy con học toán làm sao mà trẻ cảm thấy thoải mái, tiếp thu dễ
dàng và không khí giữa bố mẹ cùng con mỗi khi học toán thật cởi mở
không ạ? Cám ơn thầy (Thanh Lan, 33 tuổi, TP HCM)
- Thầy Đỗ Đức Thái: Tôi rất mừng vì
bạn đã thực sự quan tâm đến việc dạy toán cho con. Theo tôi, để tạo ra
được không khí thoải mái, tạo sự tiếp thu dễ dàng cho trẻ thì bạn nên
làm như sau: phải đặt được mình vào đúng vị trí của con bạn, một đứa trẻ
còn rất non nớt, biết rất ít về toán, nhất là về các ký hiệu toán học,
tiếng Việt cũng chưa thật thành thạo. Như thế, bạn sẽ thấy được những
khó khăn nhiều khi là rất lớn trong việc tiếp thu các kiến thức toán học
của con bạn. Tóm lại, bạn đã thực sự hiểu con chưa? Sau đó, bạn phải
nhẫn nại, giảng giải cho con, hình dung ra một kịch bản, trong đó, bạn
là tổng đạo diễn diễn cùng với con bạn để dần dần khám phá và nắm vững
các kiến thức toán học.
- FPT đã phối hợp cùng Bộ GD & ĐT tổ chức nên
cuộc thi ViOlympic. Ý tưởng khởi nguồn cho việc tạo nên cuộc thi này là
từ đâu? Cuộc thi này đã được bố mẹ và học sinh đón nhận như thế nào?
ViOlympic có những điểm thú vị nào? (Thuỳ Linh Nguyễn, 30 tuổi)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Định hướng
của FPT là ứng dụng Công nghệ thông tin để phục vụ cho các "Công dân
điện tử", trong đó có các em học sinh. Từ năm 2008, cuộc thi giải Toán
qua mạng Internet ViOlympic đã được khởi động trong bối cảnh có rất
nhiều cái nhìn tiêu cực về Internet và ảnh hưởng của nó tới giới trẻ.
Tuy nhiên, công nghệ và Internet lại là một xu thế không thể tránh khỏi
và việc hạn chế các mảng tiêu cực chỉ có thể được thực hiện thông qua
các ứng dụng và nội dung tích cực nhưng lại phải đảm bảo được tính hấp
dẫn không thua kém.
Với sự ủng hộ và chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo,
cuộc thi đã được triển khai sâu rộng ở tất cả các tỉnh thành và được sự
đón nhận của rất nhiều phụ huynh và học sinh. Hiện nay, cuộc thi đã có
gần 10 triệu thành viên đăng ký với trên 2 triệu học sinh thường xuyên
truy cập. Điểm thú vị của ViOlympic là có nội dung bám sát chương trình
phổ thông nhưng lại được thể hiện dưới nhiều hình thức phong phú, hấp
dẫn và có tính tương tác cao. Năm nay chúng tôi cũng tiếp tục đưa thêm 2
dạng game giải Toán mới để tăng thêm tính hấp dẫn.
- Bộ GD & ĐT đã có những kế hoạch gì trong việc ứng dụng công nghệ vào việc giúp trẻ học toán hiệu quả? (Xuân An, 30 tuổi)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Hiện nay, Bộ
Giáo dục và Đào tạo triển khai một số hoạt động sau: Kết nối mạng giáo
dục, internet đến mọi trường học với sự tài trợ của Tập đoàn Viễn thông
Quân đội Viettel. Điều này đã tạo ra một môi trường học tập trực tuyến
thuận lợi ở Việt Nam; triển khai công nghệ E-leanring: tạo nguồn bài
giảng bằng công nghệ E-learning để các em có thể tự học, tạo nguồn học
liệu mở, thư viện phần mềm hữu ích trên mạng Edu.net; phối hợp cùng các
tổ chức, doanh nghiệp tạo thêm nhiều sản phẩm, sân chơi và học như
ViOlympic - Giải toán qua mạng với Tập đoàn FPT, ứng dụng ViOlympic Em
giỏi toán trên Smart TV.
Chương trình này có sự tham gia và chỉ đạo của Bộ Giáo
dục và Đào tạo. Bên cạnh đó còn có chương trình học tiếng Anh qua mạng.
Trong thời gian tới, khi đổi mới chương trình và sách giáo khoa, Bộ
Giáo dục và Đào tạo sẽ tăng cường tích hợp nội dung ứng dụng công nghệ
thông tin vào ngay chương trình và sách giáo khoa.
- Con tôi đang học lớp một, ở trên lớp, cô giáo
giao bài về nhà. Ở nhà, mẹ cũng giao bài thêm. Nhiều lúc, tôi cũng thấy
quá áp lực cho con nhưng không dạy thì thấy con chậm hơn các bạn nên
thấy lo. Tôi thấy chính bản thân phụ huynh hiện nay cũng gây áp lực cho
các con. (Pham Thi Thuy, 34 tuổi, Thanh Hóa)
- Thầy Đỗ Đức Thái: Bạn đang đề cập
đến một trong những vấn đề bức xúc của giáo dục phổ thông hiện nay. Ở
trên tôi đã nói một số khía cạnh của hiện tượng này. Giải quyết nó như
thế nào chắc phải đòi hỏi nhiều chính sách đồng bộ của ngành giáo dục
cũng như của cả xã hội. Những năm còn học ở trường phổ thông, mặc dù học
ở lớp chuyên toán của trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nơi mà không thể
nói là không có áp lực cho chúng tôi, nhưng tôi thấy rất khác với áp lực
cho con tôi bây giờ.
Chúng tôi cũng thi đua, cũng cạnh tranh để vươn lên
những vị trí cao trong lớp nhưng áp lực như hiện nay con tôi đang gặp
phải thì hoàn toàn khác. Tôi luôn nghĩ rằng: nguyên tắc tối cao của dạy
học là nguyên tắc vừa sức với học sinh. Sức học của con bạn đến đâu thì
con bạn học đến mức đó, miễn sao phải nắm vững những kiến thức cơ bản
trên cơ sở chuẩn kiến thức mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành.
Chúng ta không nên bắt trẻ học và làm quá nhiều bài
tập, phải để một thời gian thích đáng cho trẻ ngủ, nghỉ ngơi, vui chơi
giải trí. Chỉ có như thế, não của trẻ mới phát triển bền vững. Nếu không
thật cần thiết (phụ thuộc vào sức học của con bạn), cha mẹ không nên
giao bài thêm. Bạn có thể hướng dẫn cho con bạn những kiến thức mà cháu
nắm chưa thật vững bằng những bài tập tương tự như sách giáo khoa hay
như các bài tập trên lớp cô giao. Biết thêm một vài dạng bài tập, nâng
cao thêm một vài thứ bậc trong lớp mà lại khiến con bạn quá tải, không
có thời gian nghỉ ngơi, không thấy học là niềm vui, theo tôi là một cái
giá phải trả quá đắt.
- Việc áp dụng công nghệ thông tin vào học toán có những lợi ích gì? Chi phí có tốn kém không? (Hoàng Mạnh, 37 tuổi, Vũng Tàu)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Việc áp dụng
công nghệ thông tin vào học toán mang lại nhiều lợi ích như: học sinh
động hơn, bài toán được minh họa với multimedia; có thể vẽ hình, đồ thị
thậm chí theo không gian ba chiều mà bình thường làm bằng tay rất khó,
tìm các tài liệu tham khảo, bài giảng của nhiều thầy dạy giỏi. Chi phí
dành cho việc áp dụng công nghệ thông tin và học toán không quá tốn kém.
Phụ huynh có thể tìm kiếm nhiều ứng dụng dạy toán trên Internet.
- Thưa ông Nguyễn Xuân Phong - Phó hiệu trưởng Đại
học FPT, trên quan điểm là một nhà quản lý giáo dục ông nhận định về
tình hình học Toán hiện nay của học sinh ra sao? ĐH FPT có những kế
hoạch nào trong việc áp dụng công nghệ trong dạy và học Toán (Trần Thị
Hoà, 25 tuổi, quận 1 - TP HCM)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Toán học
luôn là môn học được yêu thích và là môn có khả năng nhất của học sinh
phổ thông Việt Nam. Tuy nhiên tôi thấy đa phần học sinh của chúng ta vẫn
đang học Toán một cách khá máy móc, ít có khả năng mở rộng hay suy
luận. Rất nhiều em có thể giải rất nhanh các dạng Toán quen thuộc đã
được thầy cô luyện nhưng lại hoàn toàn bó tay trước dạng Toán chỉ biến
đổi đi một chút.
Một vấn đề nữa của dạy và học Toán ở Việt Nam là việc
quá tách rời bài toán và các ứng dụng thực tế. Chính điều này đã tạo nên
những tâm lý và quan điểm như giải Toán chỉ để "tự sướng", không có ích
lợi gì cho cuộc sống. Điều này cũng làm cho việc học toán trở nên khô
khan hơn trong khi thực tế có không ít những bài toán gắn bó và giải
quyết các vấn đề hết sức thiết thực trong cuộc sống của chúng ta. Hướng
đi của chúng tôi trong việc ứng dụng công nghệ vào học Toán cũng sẽ theo
cách làm tăng tính hấp dẫn và ứng dụng thực tế của các bài toán.
- Thưa các chuyên gia, tôi cho các cháu sử dụng
máy tính bảng từ lúc 5 tuổi, đến giờ các cháu đã vào học lớp 2 và sử
dụng rất thành thục. Nhưng phần lớn là cáu cháu dùng thiết bị để chơi
game, nghe nhạc và học tiếng Anh. Tôi chưa biết sử dụng thiết bị công
nghệ cho cháu học Toán như thế nào ạ? (Mai Liên, 34 tuổi, Sài Gòn)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Chị hãy truy
cập trang violympic.vn, đăng ký tài khoản miễn phí và cho cháu tham gia
cuộc thi ViOlympic. Chúng tôi hy vọng rằng qua vài vòng thi và tự luyện
cháu sẽ bị hấp dẫn bởi cuộc thi và các hình thức giải toán này. Học
sinh có thể tham gia cuộc thi từ máy tính bàn, máy tính xách tay, máy
tính bảng, thiết bị di động hay TV. Ngoài ViOlympic, trên Internet cũng
có không ít các ứng dụng hay nội dung trực tuyến để giúp các cháu học
toán, tuy nhiên có đôi chút khó khăn là chủ yếu bằng tiếng Anh.
- Thực tế, nhiều ý kiến vẫn cho rằng cho trẻ tiếp
xúc sớm với CNTT sớm chưa hẳn đã là ý hay, có thể dẫn đến nhiều hệ quả
khác. Bản thân tôi cũng nhận thấy được điều đó khi cháu nhà tôi thích
học bằng máy vi tính hơn là học bằng sách vở. Đây là điều làm tôi lo
lắng, có cách nào khắc phục? (Jenny Nguyễn, 30 tuổi)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Điều lo lắng
của bạn là đúng. Tôi đã nêu một số khía cạnh mặt trái của vấn đề trong
câu trả lời trước. Theo tôi, công nghệ thông tin chỉ là phương tiện hỗ
trợ giúp trẻ học tốt hơn chứ không thể thay thế cách học truyền thống,
đặc biệt là môn toán. Ví dụ, tôi thấy ở bậc tiểu học, thậm chí ở trung
học cơ sở, học sinh phải học theo cách tính nhẩm, không nên học toán với
máy tính cầm tay. Xin lưu ý đã nói đến học toán là học tư duy, không
học theo kiểu bấm máy tính lấy sẵn kết quả. Phụ huynh phải lưu tâm kiểm
soát việc sử dụng máy tính và truy cập Internet của con em. Giáo viên
trong trường cũng vậy, không nên quá lạm dụng công nghệ thông tin trong
dạy học.
- Thưa Giáo sư, ngoài giờ học ở trường, còn có
những phương pháp nào khác giúp trẻ học Toán hiệu quả hơn mà không cần
phụ thuộc vào sách vở không? (Phạm Trường Thành, 30 tuổi)
- Thầy Đỗ Đức Thái: Như tôi đã nói ở
trên, chương trình toán ở Tiểu học gắn liền với thế giới xung quanh trẻ.
Vì thế, có rất nhiều cơ hội (nếu không nói quá là chỗ nào cũng có cơ
hội) giúp trẻ học toán mà không cần sách vở. Tôi xin kể một câu chuyện
về con gái tôi học bài về các đơn vị đo khối lượng. Tôi nghĩ cháu hoàn
toàn hiểu về kg, về tạ, về tấn. Nhưng khi tôi cho cháu về quê thăm ông
bà, tôi hỏi cháu con trâu là bao nhiêu tạ, con lợn là bao nhiêu yến, con
gà là bao nhiêu kg thì những con vật quen thuộc đó đã giúp cháu hiểu rõ
(và chắc không bao giờ nhầm nữa) rằng nói về khối lượng của con gà thì
phải dùng kg và 4 tạ là con vật to đến như thế nào.
Bây giờ có rất nhiều phương tiện nghe nhìn, công nghệ
thông tin mà các cháu được tiếp xúc. Có nhiều hình thức học và giải toán
trên các phương tiện đó, chẳng hạn: các kỳ thi giải toán qua Internet
như ViOlympic, ứng dụng ViOlympic Em giỏi toán trên Smart TV cũng là
những kênh có ích trong việc giúp trẻ học toán.
- Tôi không giỏi về toán và khi còn nhỏ cũng không
có điểm cao về môn toán, tuy nhiên tôi thực sự muốn biết cách dạy con,
chia sẻ và hướng dẫn cho cháu học toán tốt. Các chuyên gia đề cập đến
ViOlympic và học toán qua Samsung Smart TV, xin hỏi là tôi có thể tìm
hiểu về các hình thức học này qua đâu? Các chuyên gia có thể tư vấn thêm
giúp tôi không, tôi xin cám ơn nhiều (Trung Thành, 39 tuổi, Đà Nẵng)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Anh truy cập trang web violympic.vn để đọc các hướng dẫn sử dụng, đăng ký và tham gia thi trên cả máy tính lẫn TV.
- Cháu nhà tôi chưa vào lớp 1 nhưng tôi muốn cháu
làm quen sớm với toán, như vậy có tốt không? Phương pháp nào hiệu quả?
(Minh Hằng, 30 tuổi, Đà Lạt)
- Thầy Đỗ Đức Thái: Tôi nghĩ cho cháu
làm quen sớm với toán là tốt. Vấn đề là làm quen với cái gì trong toán?
Tôi nghĩ rằng bạn nên cho cháu làm quen với các biểu tượng toán học,
làm quen với các con số hay với các hình hình học đơn giản. Tôi không
ủng hộ việc bạn dạy trước chương trình toán lớp 1 hoặc lớp 2 cho cháu. Ở
lứa tuổi mẫu giáo, trẻ tiếp thu trên cơ sở trực quan sinh động, tìm
hiểu thế giới xung quanh thông qua thị giác, "sờ mó" vào các vật để cảm
nhận về chúng... Vì thế, phương pháp hiệu quả nhất để dạy trẻ hình thành
nên các biểu tượng toán học là cho trẻ làm quen với các biểu tượng đó
thông qua các đồ vật cụ thể. Bộ đồ chơi làm quen với toán đối với trẻ
mẫu giáo, tôi nghĩ là rất có ích.
- Chào các thầy! Các cháu học sinh lớp 2 có cần
thiết phải giải toán qua mạng không vì có thể hỏng mắt, mât thời gian.
(Hùng Văn Chấn, 30 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Việc cháu có
hứng thú học và thấy có ích hay không khi tham gia giải toán qua mạng
là do gia đình và cháu cân nhắc quyết định. Hiện nay cuộc thi tổ chức
cho tất cả học sinh từ lớp 1 đến lớp 12. Về ảnh hưởng đến mắt thì với sự
tiến bộ của công nghệ và chất lượng màn hình như hiện nay, nếu anh áp
dụng chế độ sử dụng và nghỉ ngơi đúng cho cháu thì tôi nghĩ rằng sẽ
không có ảnh hưởng gì đáng kể đến thị lực.
- Đứng giữa quá nhiều chương trình học toán hiện
nay, theo ông thì học bằng ứng dụng công nghệ có thực sự mang lại hiệu
quả cho các con không? Tại tôi thấy các cô dạy bé đối mặt còn chẳng ăn
thua (Nguyễn Việt Hà, 35 tuổi, Tay Ho, Hà Nội)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Ứng dụng công nghệ
thông tin trong việc dạy và học đem lại hiệu quả như học sinh động hơn,
có thể bất kể lúc nào, ở đâu, đáp ứng nhu cầu và năng lực học tập của
từng cá nhân. Tuy nhiên, tôi xin nhấn mạnh rằng công nghệ thông tin chỉ
là phương tiện hỗ trợ giúp trẻ học tốt hơn, không thay thế hết phương
pháp học tập truyền thống với sự dạy dỗ của giáo viên. Vấn đề học ở lớp
có "ăn thua" không phụ thuộc vào nhiều yếu tố như phương pháp giảng dạy
của giáo viên; số học sinh trong một lớp học phải vừa đủ, nếu sĩ số lớp
quá đông thì giáo viên khó lòng bao quát được hết, trong khi năng lực
học tập của các em lại khác nhau. Ngoài ra, cũng cần sự quan tâm, hỗ trợ
của phụ huynh học sinh.
- Vợ chồng tôi đều bận rộn với công việc nên ít có
thời gian kèm cặp con mỗi ngày, tuy chúng tôi lo cho con đi học rất chu
đáo, học trường tốt, đi học thêm đầy đủ, có gia sư kèm… Tuy nhiên, tôi
đọc sách thấy có tài liệu bảo rằng theo thống kê, khi đọc trẻ lĩnh hội
10%; khi nghe 20%; khi quan sát 30%; khi quan sát và nghe 50%; nhưng
quan sát, nghe, tương tác, trao đổi cùng bố mẹ giúp trẻ đạt hiệu quả đến
90%. Bố mẹ học cùng trẻ tác động đến việc học của con như thế nào, đặc
biệt là với môn toán? (Trần Tuấn Tú, 30 tuổi)
- Thầy Đỗ Đức Thái: Tôi không biết
những con số thống kê bạn đưa ra ở trên là đúng hay sai, thực sự tôi
không biết những con số đó. Tôi chỉ nghĩ đơn giản thế này: tình mẫu tử,
tình phụ tử là vô cùng sâu sắc, thiêng liêng. Không có ai gắn liền với
trẻ như cha mẹ, không ai hiểu con bằng cha mẹ và cũng không có ai tận
tâm dạy con bằng cha mẹ. Vì thế, việc bố mẹ học cùng trẻ chắc chắn là
rất hiệu quả. Có điều, như bạn nói, các bạn đều bận rộn với công việc,
và tôi nghĩ rằng các bạn đều không trong nghề dạy học cho nên các bạn
cũng phải học cách học cùng với con mình. Tôi nghĩ bạn có thể tìm thấy
nhiều cuốn sách hay, nhiều lời khuyên của những nhà sư phạm về việc nên
học cùng với con như thế nào.
- 5+7=? (Ngọc Phúc, 10 tuổi)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Cháu ơi đây là phép tính nhẩm, không nên ứng dụng công nghệ thông tin.
- Xin chào ông Nguyễn Xuân Phong, phó hiệu trưởng
ĐH FPT Con tôi rất thích tham gia cuộc thi ViOlympic do FPT phối hợp với
Bộ GD & DT tổ chức. Sắp tới, có phải cuộc thi này sẽ vẫn được tổ
chức hàng năm? Ban tổ chức có kế hoạch nâng tầm, phát triển hơn nữa cuộc
thi ViOlympic không? Phụ huynh có thể hướng dẫn con dự thi và ôn luyện
như thế nào? Xin cảm ơn (Lê Văn Long, 33 tuổi, TP HCM)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Cuộc thi này
vẫn đang được tổ chức đều đặn hàng năm. Hiện nay cuộc thi đang diễn ra ở
vòng thi tự do số 6. Các học sinh chưa tham gia thi có thể đăng ký và
thi bổ sung. Kết thúc 9 vòng thi tự do sẽ là các cuộc thi cấp trường,
quận huyện, thành phố và thi quốc gia. Năm nay, cuộc thi ViOlympic có
rất nhiều đổi mới. Chúng tôi đã nâng cấp phần mềm, máy chủ và đường
truyền để đáp ứng tốt hơn cho số lượng tham dự thi ngày một đông đảo.
Chúng tôi cũng đưa thêm vào các dạng bài thi tương tác, các game mới như
Đỉnh núi trí tuệ và Cóc vàng tài ba. Nội dung thi Toán tiếng Anh sẽ
được đưa vào thí điểm cho học sinh lớp 4 và lớp 8. Ban tổ chức cũng sẽ
phát động chương trình thầy giáo gửi đề thi để làm phong phú hơn ngân
hàng câu hỏi, thu hút sự tham gia nhiệt tình hơn của các thầy cô dạy
Toán. Để ôn luyện, phụ huynh có thể mua bộ sách tự luyện ViOlympic hoặc
sử dụng ứng dụng ViOlympic Em giỏi Toán trên TV.
- Thưa các vị khách mời, mỗi lần dạy toán cho con
chúng tôi đều thường mất hết kiên nhẫn. Bé tiếp thu rất thụ động mặc dù
chúng tôi đổi qua rất nhiều phương pháp từ dụ ngọt, làm căng lên....
Chúng tôi phải làm sao đây? Tôi vừa được khuyên dạy Toán cho con qua ứng
dụng ViOlympic, đây có phải là ứng dụng tốt, xin cho tôi lời khuyên.
Xin cảm ơn (Tạ Quang Cần, 26 tuổi, quận 5, TP HCM)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Tôi nghĩ
rằng có 2 điều anh nên thử trong tình huống này. Một là thử cố gắng liên
hệ các bài toán với thực tế và tình huống mà cháu hay và đã gặp, như
vậy cháu sẽ có quan tâm và hứng thú hơn. Điều thứ hai là thử cho cháu
tham gia ViOlympic.
- Tôi có con gái lên 4 tuổi. Tôi muốn định hướng
cho cháu học theo toán học, mong các thầy chỉ cho phương pháp cụ thể;
nên tránh những gì để không lệch hướng toán của trẻ nhỏ? (Lê Tuấn Giang,
44 tuổi, Hòa Bình)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Theo tôi, về
nguyên lý 4 tuổi là tuổi để học nói, để chơi, chơi những trò chơi truyền
thống, không nên định hướng học một cách gò ép kể cả về toán lẫn học
chữ. Bộ Giáo dục và Đào tạo không khuyến khích trẻ học trước tuổi. Tuy
nhiên, ông bà bố mẹ có thể định hướng tư duy toán học hàng ngày cho trẻ
qua cách đếm số như đếm quả chuối, ngón tay...
- Cháu nhà em năm nay 5 tuổi em đã dạy cháu học
xong toán lớp 1. Trước thấy cháu rất hứng thú học, nhưng mấy bữa nay
không còn thấy cháu muốn học nữa, cháu học rất miễn cưỡng. Xin hỏi em
phải làm sao với cháu? (Nguyễn Thị Thu Hương, 27 tuổi, Đà Lạt)
- Thầy Đỗ Đức Thái: Tôi tin rằng bạn
đã không đúng phần nào đó khi dạy cháu hết chương trình toán lớp 1. Về
mặt tâm sinh lý và về trí tuệ nói chung, cháu chưa đáp ứng được thực sự
chương trình toán lớp 1. Tại sao tôi lại nói như vậy? Vì tôi cho rằng,
một chương trình toán là một tổng thể của nhiều khía cạnh đòi hỏi học
sinh đạt được, trong đó kiến thức chỉ là một trong những khía cạnh
chính. Điều quan trọng hơn mà chương trình toán mang lại cho học sinh là
"cái đằng sau tri thức toán học" hay như chúng tôi thường nói là văn
hóa toán học. Phải đến một tầm tuổi tương ứng thì người ta mới hấp thụ
được văn hóa đó.
Con bạn có thể đã nắm được khía cạnh kiến thức của
chương trình toán lớp 1 nhưng những khía cạnh khác cháu chưa đáp ứng đầy
đủ. Do đó, cháu dần dần mất đi hứng thú học toán. Nhân tiện đây, tôi
nhớ lại một việc đã diễn ra cách đây vài năm. Một vài người quảng cáo về
việc dạy học sinh lớp 7, lớp 8 (tôi không nhớ chính xác) giải đề toán
thi đại học lớp 12. Tôi cũng tin rằng với một số lượng học sinh không
lớn, với nỗ lực của người dạy, các em có thể đạt đến mức độ nào đó về
điểm số khi giải đề thi đại học toán lớp 12. Thế nhưng, học toán và
chương trình toán đâu có phải chỉ là để giải mấy bài thi đại học. Chúng
ta đều có thể thấy ngay sự khôi hài và hậu quả nguy hiểm của việc làm
đó.
- Con tôi từng tham gia và rất thích cuộc thi
ViOlympic. Ứng dụng ViOlympic trên Smart TV có khác với cuộc thi
ViOlympic trên website không? Trẻ cân bằng giữa việc học và chơi với ứng
dụng này như thế nào, cũng như học hỏi được những gì khi luyện tập giải
Toán với ứng dụng này? (Mạc Trung Kiên, 30 tuổi)
- Ông Nguyễn Xuân Phong: Các em học
sinh có thể tham gia thi các vòng thi ViOlympic từ website violympic.vn
thông qua các loại máy tính hoặc thi từ ứng dụng ViOlympic Em giỏi Toán
trên Samsung Smart TV. Hai việc này là hoàn toàn như nhau. Nếu muốn ôn
luyện thêm, bạn có thể mua bộ sách tự luyện hay sử dụng ứng dụng sẵn có
trên TV.
- Nhà trường đã bắt đầu ứng dụng công nghệ vào
việc dạy toán cho trẻ, chẳng hạn cho các cháu tiếp xúc với Internet, thi
giải toán online. Ở nhà, tôi nên hỗ trợ thêm bằng cách nào? Chỉ nên ôn
lại những gì cháu học ở trường là đủ hay cần mua thêm giáo trình, tài
liệu khác hỗ trợ? (Nguyen Do Khanh Linh, 31 tuổi)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Theo tôi, phụ
huynh học sinh nên quan tâm theo dõi tình hình học tập của trẻ theo
hướng dẫn và chương trình của trường kể cả việc mua giáo trình và tài
liệu. Phụ huynh có thể hỗ trợ bằng cách là cùng học và định hướng tư duy
toán học cho trẻ, thay vì ép bé học thêm. Bạn cũng nên tìm những thí dụ
thực tế minh họa cho bài học, tuyệt đối không làm thay, làm hộ các bài
tập về nhà môn toán cho trẻ để đối phó với giáo viên để đạt điểm cao.
- Con tôi năm nay học lớp 2. Cháu tham gia giải
toán qua mạng từ năm lớp 1. Nhưng chẳng hiểu sao cháu giải toán qua mạng
rất chậm và khả năng quan sát của cháu rất kém. Tôi cũng mua cho cháu
sách giải toán qua mạng nhưng vẫn thế, không tiến triển hơn. Tôi phải
làm gì để giúp con giải toán nhanh và hiệu quả hơn. (Lê Thị Thảo, 33
tuổi, Hà Tĩnh)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Theo tôi, ở
tuổi này, năng lực học tập của các cháu là khác nhau. Việc tham gia các
cuộc thi nên định hướng chỉ là để cháu thử sức, không ép buộc thành
tích. Nếu thấy trẻ còn chậm, chưa tiếp thu được, bạn không nên lo lắng.
Thay vào đó, phụ huynh có thể quay về tập trung vào việc học môn toán
một cách bình thường và chỉ bảo con hiểu được bài, rèn luyện tư duy toán
học ở nhà.
- Con trai tôi năm nay 12 tuổi, cháu có sức tiếp
thu tốt, nhưng lười tư duy, khi gặp những bài toán lạ đều không chịu suy
nghĩ để hoàn thành. Làm thế nào để cháu có được tính kiên nhẫn và tập
trung suy nghĩ để làm bài? (Nguyễn Ngọc Bình, 45 tuổi, 360 La Thành - Hà
Nội).
- Thầy Đỗ Đức Thái: Tôi nghĩ nhiều em
học sinh thấy khó khăn và ngại suy nghĩ khi phải giải những bài toán
lạ. Con em chắc cũng không phải là trường hợp ngoại lệ, bạn không nên lo
lắng về điều đó. Cha mẹ có thể khắc phục chuyện đó bằng cách nâng cao
khả năng giải bài tập cho các cháu theo các bước sau:
+ Hướng dẫn cho các cháu cách giải một bài tập toán
như thế nào. Có một cuốn sách tuyệt hay của nhà toán học, đồng thời cũng
là nhà sư phạm lỗi lạc, G.Polya tên là "Giải bài toán như thế nào?".
Bạn có thể đọc cẩm nang đó và hướng dẫn cho con mình.
+ Hướng dẫn cháu cách phân loại, phân dạng bài tập, nắm vững cách giải cho từng dạng bài tập.
+ Khi con đã đạt đến một mức nhất định kỹ năng giải
bài tập thì bạn nên hướng dẫn cháu phương pháp học một cách sáng tạo
nhằm nâng cao năng lực tư duy sáng tạo của cháu.
Bạn phải rất kiên trì thực hiện từng bước cho con
mình, vì tạo ra được một thói quen tốt trong học toán là một việc làm
rất công phu.
- Con gái tôi 5 tuổi, cháu rất thích học toán và
nhẩm rất nhanh, hiện giờ đã có khả năng cộng trừ trong phạm vi 100. Tôi
muốn được tư vấn thêm phương pháp để duy trì và phát triển kỹ năng của
cháu (Nguyễn Mai Hương, 35 tuổi)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Hoan hô cháu
tính nhẩm rất nhanh, không cần máy tính. Điều căn bản của học toán đối
với trẻ là tư duy toán học chứ không phải là bấm máy, chờ sẵn kết quả.
Bạn không nên cho cháu dùng máy tính cầm tay sớm. Theo tôi, đến cấp
trung học phổ thông, trẻ hãy nên dùng. Tuy nhiên, bạn cũng có thể sử
dụng một số phần mềm dạy toán qua Multimedia để cháu học và hình dung
tốt hơn.
- Con tôi học hành nói chung và học Toán nói riêng
được điểm khá cao. Tuy nhiên, trong cuộc sống, cháu khá rụt rè, nhút
nhát... Vậy bố mẹ phải làm thế nào để giúp con vận dụng những kiến thức
đã học từ môn Toán vào thực tiễn đời sống? (Trần Thị Tuyết, 37 tuổi,
quận Gò Vấp, TP HCM).
- Thầy Đỗ Đức Thái: Toán học xuất
phát từ cuộc sống và quay trở lại góp phần giải quyết những vấn đề của
cuộc sống. Vì thế, có rất nhiều cơ hội để các cháu ứng dụng những kiến
thức đã học từ môn toán vào thực tiễn cuộc sống. Tôi xin lấy ví dụ liên
quan đến mạch kiến thức Xác suất và Thống kê trong chương trình toán phổ
thông. Các em có thể sử dụng những kiến thức về lĩnh vực này trong việc
tính toán chi tiêu cho gia đình, trong việc giúp cha mẹ tính toán lãi
suất tiết kiệm hoặc trình bày các báo cáo khoa học trên cơ sở các bảng,
biểu thống kê... Tôi nghĩ rằng, việc cho các cháu tham gia vào các hoạt
động thực tiễn đó sẽ giúp các em học sinh va chạm với thực tiễn đời sống
nhiều hơn, thâm nhập tốt hơn vào thực tiễn cuộc sống. Do đó, các em sẽ
bớt đi tính rụt rè, nhút nhát.
- Tôi xin nghỉ làm "giáo viên" toán THCS từ năm
2010 để tìm cách dạy toán sao cho "sinh động". Hiện nay tôi đã được Cục
bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận cho một loại đồ dùng dạy học môn
hình học THCS, và tôi có thêm một loại dụng cụ khác dành cho môn toán từ
lớp 4 đến lớp 9. Liệu các nhà khoa học họ có sãn sàng giúp đỡ tôi hoàn
thiện và hợp tác ứng dụng này? (Phạm Ngoc Tuệ, 45 tuổi, Ha Nôi)
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Hoan nghênh
bạn. Đầu tiên, bạn nên giới thiệu trên Internet đồ dùng dạy học do bạn
sáng tác và liên hệ để thử nghiệm, đánh giá ở một số trường. Sau đó, nếu
thấy kết quả tốt, bạn có thể liên hệ với các cơ quan chức năng của Bộ
Giáo dục và Đào tạo (như Vụ Giáo dục tiểu học, Vụ Giáo dục trung học)
hoặc Sở Giáo dục đào tạo để xem xét khả năng áp dụng rộng rãi.
- Tôi đã theo dõi từ đầu đến cuối chương trình.
Cảm ơn các vị khách mời. Vậy, các vị cho tôi xin ý kiến chốt có nên cho
con tiếp xúc với công nghệ sớm và đánh giá các điểm được và tác động nếu
trẻ sử dụng công nghệ sớm? (Phạm Hải Minh, 29 tuổi, TP HCM).
- Thầy Đỗ Đức Thái: Tôi nghĩ rằng,
việc dạy và học toán tốt đòi hỏi cả thầy lẫn trò phải kết hợp nhiều
phương pháp dạy học, tận dụng được những thành tựu của khoa học và công
nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin và truyền thông. Một cách tiếp xúc
thông minh với công nghệ trên cơ sở định hướng và kiểm soát của cha mẹ
sẽ góp phần giúp trẻ học tốt môn toán.
Xin chân thành cảm ơn sự quan tâm theo dõi và ủng hộ
nhiệt tình của các bạn độc giả trong chương trình tư vấn trực tuyến. Xin
chúc các bạn và gia đình hạnh phúc, chúc các cháu học giỏi.
- Ông Quách Tuấn Ngọc: Trẻ học toán
là học tư duy toán học, là rèn luyện kỹ năng như tính nhẩm chứ không
phải là rèn luyện kỹ năng bấm máy tính. Công nghệ thông tin, đặc biệt
multimedia và Internet ngày hôm nay đem lại rất nhiều điều hữu ích nhưng
nó chỉ là công cụ hỗ trợ đắc lực việc dạy học, không phải là phương
tiện thay thế hoàn toàn cách dạy truyền thống và thay thế giáo viên. Vì
vậy, chúng ta nên kết hợp một cách hài hòa áp dụng công nghệ thông tin
với cách học truyền thống. Phụ huynh cũng nên lưu ý mặt trái của việc
ứng dụng công nghệ thông tin đối với trẻ nhỏ.
http://benhvienmaytinhnet.com
Nhãn: Tin Mới